Về Hà Nội, nhớ một thức quà ngon nổi tiếng - cốm - thức quà của lúa non. Cốm, thức quà bình thường, dân dã, và rất phổ biến, là một thứ riêng biệt của đất nước, của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong mình hương vị của sự mộc mạc, thanh khiết và giản dị của đồng quê nội cỏ xứ An Nam.
Không có nơi đâu làm cốm dẻo và thơm ngon bằng cốm làng Vòng. Thạch Lam từng viết “Đợi đến lúc vừa nhất, mà chỉ riêng những người chuyên môn mới định được, người ta gặt mang về. Rồi đến một loạt cách chế biến, những cách thức làm, truyền tự đời này sang đời khác, một sự bí mật trân trọng và khắt khe giữ gìn, các cô gái làng Vòng làm ra thứ cốm dẻo và thơm ấy”. Người ta không hiểu vì sao cứ phải dùng lá sen để gói cốm? Phải chăng cốm là một thứ quà tinh khiết của trời đất nên người ta mới nghĩ đến việc dùng lá sen để gói cốm – lá của loài hoa “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” thì mới thấy hết được ý nghĩa của cốm. Nhưng cũng có lẽ bởi mùi hương thanh thuần của lá sen làm tăng thêm hương vị cho thức quà đặc biệt ấy, mùi thơm của lúa non hòa với hương thơm ngát của lá sen già không mảy may chút bụi trần.
Cốm với ý niệm ban đầu là làm quà sêu Tết, tặng nhau, là thức quà trong sạch, vấn vương trong lòng những người con Hà Nội, màu xanh tươi của Cốm, hòa với màu thắm đỏ của Hồng, thanh thanh, đạm đạm, ngọt lịm sắc sảo cứ vậy mà hòa vào nhau, nâng đỡ cho nhau tạo thành một thứ quà quý, e ấp mà kín đáo.
Ăn cốm không thể vội vã, ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ mới thấy được hết cái vị ngon, dẻo và thơm của cốm bọc trong lá sen. Người ta thường ăn cốm cùng chuối tiêu trứng quốc, nhưng ngon nhất vẫn là khi thưởng thức cốm cùng với quả hồng chín mọng, nhưng nhiều người lại chỉ ăn cốm mà không ăn kèm bất cứ thứ gì, để cảm nhận hết sự thanh mát, chút ngọt ngào của sữa gạo non, chút dẻo dai quyện với hương sen thoang thoảng.
Khi cái se se lạnh của tiết trời vào thu, từng cơn gió mùa bắt đầu len lỏi, người ta nhớ đến những gánh hàng rong len vào từng ngõ hẽm, mang theo thứ quà tinh túy của trời đất, bọc trong lá sen già. Cốm mùa thu bao giờ cũng thơn, ngon, dẻo dai, trong và xanh hơn cốm đầu hạ. Người Hà Nội vẫn luôn săn đón, tiếc nuối thứ quà tao nhã vào cuối thu cũng vì lẽ ấy. Cốm không ăn vội cũng không mua vội được, cốm làm ra và ăn trong ngày, để lâu cốm sẽ se lại, và mất đi độ dẻo dai vốn có, vì vậy mà dù có tranh thủ chút cốm cuối thu nhưng người Hà Nội cũng vẫn không mua nhiều.
Cốm còn được dùng để chế biến thứ bánh cốm ngon lành quyện với nhân đậu xanh ngọt lịm, hay thứ chè cốm nấu vừa đường, dẻo mà không đặc, còn giữ lại chút dẻo dai, vị thơm ngan ngát. Nhưng với những người con Hà Nội, chả gì có thể sánh bằng những bọc cốm Vòng tươi ngon trong chiếc lá sen già, kết tinh hương vị của trời đất. Ăn cốm để cảm nhận hết thảy những âm hưởng của mùa thu tuyệt diệu lắng đọng tự vị tuyệt vời trên môi lưỡi.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét